Campuchia là láng giềng với Việt Nam, có nhiều nét tương đồng về giao thông. Tuy nhiên, văn hóa chơi xe lại rất khác biệt…
Xe máy “to” rẻ hơn xe máy “nhỏ”
Trên đường từ cửa khẩu Mộc Bài vào Thủ đô Phnom Penh, người hướng dẫn du lịch tên Hùng nói với tôi: “Phnom Penh là một thành phố rất nhiều mô tô, xe máy giống như các thành phố ở Việt Nam. Xe máy ở đây không hề rẻ như một số báo ở Việt Nam đã phản ánh”.
Dọc đường vào thủ đô của đất nước chùa tháp, nếu không nhìn vào BKS của những chiếc xe cùng trang phục người sử dụng, sẽ rất dễ nhầm đây là quang cảnh một miền quê nào đó của Việt Nam, vì nó khá tương đồng về chủng loại xe và cách độ xe.
Với người dân Campuchia, loại xe được ưa chuộng nhất cũng là Honda, nhưng những nhãn hiệu xe ga đắt tiền gần như không thấy. Phổ biến nhất vẫn là Dream 125, nhưng khác Super Dream Việt Nam, cả về phân khối lẫn hình thức, giá loại xe này là 1.370 USD.
Ngoài Dream, còn có một mẫu xe ga nhỏ rất giống với Yamaha Classico, nhưng của Honda nhãn hiệu Scoopy có giá 2.500 USD. Loại đắt tiền nhất là PCX nhập khẩu từ Thái Lan, mẫu xe này chỉ đếm trên đầu ngón tay ở Phnom Penh, được bán với giá 3.300 USD.
Ngay tại một “chợ” xe máy, xe cũ được bán khá nhiều, dù không thể so với chợ xe Dịch Vọng quận Cầu Giấy, Hà Nội. Một thanh niên đang sơn xe nói với anh Hùng bằng tiếng Campuchia: “Những chi tiết đã cũ, chúng tôi làm lại cho mới trước khi bán. Cách làm này chúng tôi học được của người Việt Nam”.
Khác với sự chuyên nghiệp, với dàn máy móc “mông má” xe khá hiện đại ở Hà Nội và TPHCM, công nghệ “mông” xe ở đây khá đơn giản: đánh giấy giáp mịn rồi sơn lại bằng các bình sơn màu bán sẵn; lấy dầu và bàn chải đánh sạch các chi tiết bị bẩn…
Theo chân một hướng dẫn viên người bản địa tên Thon, tôi vào một con phố có tên 432, chuyên về sửa chữa và mua bán xe máy phân khối lớn, gần giống như phố Phủ Doãn, Hà Nội. Trên vỉa hè là các loại mô tô hiệu Honda đã qua sử dụng, từ 125 – 750cc như Magna 250, Steed 400, Shadow 400 và 750.
Hỏi giá một chiếc Shadow 750, đời 1998, cô nhân viên người Việt cho biết: “Chưa có biển số em bán giá 6.000 USD. Rẻ hơn, anh có thể mua Magna 250 với giá 3.700 USD”. Nếu so với giá những loại xe này ở Việt Nam, nó bằng khoảng 2/3.
Đem thắc mắc “tại sao các mẫu xe nhỏ đắt hơn ở Việt Nam mà mẫu xe lớn lại rẻ hơn” hỏi anh Thon, anh cho biết: “Xe máy mới nhập khẩu bị đánh thuế khá cao nên đắt. Các loại mô tô anh vừa xem đều là xe cũ nhập về từ Thái Lan, Mỹ nên giá rất rẻ vì không đánh thuế”.
Thon cười và nói: “Ở Campuchia xăng đắt nên xe to rẻ vì không có tiền đổ xăng… Giờ xăng lên giá 4.900 ria/lít rồi. Nếu qui đổi ra tiền Việt, nó tương đương với gần 24.000 đồng/lít đấy. Thế nên mới có chuyện người ta mang xăng từ Việt Nam sang Campuchia để bán kiếm lời…”.
Xế hộp chỉ 2.500 USD…
Xế hộp hạng sang xếp hàng
Chỉ vào một chiếc xe Camry 2.2, đời 1990, anh Thon cho biết: “Con này khoảng 2.500 USD. Nếu mua chưa có BKS, thì chỉ hơn 1.000 USD thôi và chỉ bằng xe Dream mới ở Việt Nam”. Quan sát đường phố của Thủ đô Phnom Penh, Toyota là loại xe giữ ngôi vị thống trị về số lượng. Loại được sử dụng nhiều nhất ở đây là Camry đời từ 1995 – 1998. Giá xe khi đã gắn BKS là từ 5.000 đến 7.000 USD/chiếc.
Loại xe phổ biến thứ hai và được giới thượng lưu ưa chuộng là Lexus, nhiều nhất là Lexus 470, RX 300, RX 350. Theo giới thiệu của anh Thon, Phnom Penh có khoảng gần 100 showroom bán ô tô, chủ yếu bán xe đã qua sử dụng. Một số showroom bán cả xe tay lái nghịch, loại xe này ở Campuchia vẫn được phép lưu thông bình thường…
Một chủ gara ô tô cũ, chuyên bán xe hạng sang trên đường Sisowath cho biết: “Ở đây chỉ bán xe từ 30.000 USD trở lên. Tất cả là xe chạy lướt, khoảng 2 – 3 vạn km, có chiếc mới chỉ lăn bánh 1 vạn km”.
Tại bãi xe, chiếc Lexus GX 300 đời 2005 giá 43.000 USD, Lexus 470 đời 98 giá 22.000 USD; Cadilac đời 2007 giá 36.000 USD. BMW là loại xe rất ít ở Phnom Penh… Một “thợ” ô tô ở Hà Nội cho biết, nếu so với cùng loại xe ở Việt Nam, giá ở Phnom Penh chỉ bằng già nửa, riêng Camry đời từ 1995 trở về trước thì giá chỉ bằng non nửa.
Anh Nam, một người nhiều năm sống ở Thủ đô nước bạn cho biết: “Nếu biết chỗ mua ở những địa chỉ nhập xe cũ từ Mỹ về, giá còn rẻ hơn nhiều vì mặt hàng này ở Campuchia không đánh thuế nhập khẩu”.
Xác nhận điều này, một chủ gara xe nhận định: “Riêng dòng Camry đời từ 1995 trở về đây có rất nhiều xe bị chồng xác. Đó là loại xe vẫn có đủ đăng ký, đăng kiểm nhưng đã bị thay máy hoặc thay vỏ, những thứ đó mua ở Campuchia cực rẻ. Nếu không kiểm tra kỹ, người mua xe cũ rất dễ nhầm. Thế nên mới có chuyện, hầu hết dòng Camry mang BKS từ Nghệ An đổ vào phía Nam đều được CSGT “soi” rất kỹ. Hôm trước, có người gạ tôi mua chiếc Camry 2.2 đời 2001 giá hơn 5.000 USD, xe trông như mới, nghe nói đánh từ Campuchia về”.
Những chiếc xe tự chế
Vi vu xe tự chế…
Phương tiện mà du khách và người dân Campuchia thích nhất và có nhiều nhất ở Thủ đô Phnom Penh là loại xe Túc Túc. Anh Thon cho biết: “Ở Phnom Penh, có nhiều cơ sở chế xe Túc Túc. Vì không có qui định cụ thể về kiểu dáng nên mỗi nơi chế tác một kiểu. Nhiều người tự mua xe máy, mua tôn, ghế về làm theo ý của mình. Ở Phnom Penh rất ít taxi, không có xe buýt, nên Túc Túc là phương tiện chủ yếu để lưu thông, nhưng anh nhớ là trước khi lên xe phải mặc cả đấy nhé”.
Nếu đi ra ngoại ô Phnom Penh, du khách còn có thể bắt gặp những chiếc xe chở khách chưa từng có ở Việt Nam. Đó là những chiếc xe máy kéo thùng chở khách. Về cơ bản, loại xe này do một chiếc xe máy làm đầu kéo, phía sau là một chiếc thùng xe rất dài, trên thùng xe có rất nhiều thanh gỗ đặt ngang để cho khách ngồi.
Chỉ vào loại xe ngộ nghĩnh này, anh Thon nói: “Xe này chở được hơn hai chục người, nhiều hơn cả xe 16 chỗ!”. Tất cả những phương tiện vận chuyển khách công cộng này đều không có mái che. Người ngồi trên xe cũng không đội mũ bảo hiểm dù ở Phnom Penh, đây cũng là điều bắt buộc…
Ngoài những phương tiện phổ biến trên, ở Phnom Penh còn có xe ngựa, có những chiếc ô tô tải không có bạt hoặc mái tôn che thùng phía sau nhưng vẫn chở đầy khách… Anh Lê Quốc Dũng, một nhân viên quán ăn Việt ở Phnom Penh tâm sự: “Ở Phnom Penh, dân chơi ô tô cũng khá nhiều, không ít người thay xe như thay áo. Cái hay là người ta không chỉ chơi ô tô mà còn có rất nhiều loại xe khác để chơi, như Túc Túc chẳng hạn. Tôi cũng có một chiếc để thỉnh thoảng dạo phố. Đó cũng là nét văn hóa riêng của đất nước chùa tháp…”.
Theo M.Tuấn
PL&XH