Đúng 6h sáng, xe buýt bắt đầu lăn bánh từ TP HCM theo hướng cửa khẩu biên giới Mộc Bài, Tây Ninh với 21 hành khách trên xe, trong đó một nửa hành khách là người Việt Nam. Xe không chở hàng hóa và không đón khách dọc đường.
Theo một nhân viên ở phòng vé số 500 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM, giá vé 145.000 đồng/người (giá vé mua từ Phnom Penh về TP HCM là 9 USD/người) là đã giảm rất nhiều so với cách đây bốn năm là 20 USD/người. Ngoài tiền vé, khách nộp thêm 25 USD làm visa nhập cảnh Campuchia và sẽ nộp 30.000 đồng “phí” qua cửa khẩu ở đất bạn.
Đúng 7h25, xe đến cửa khẩu biên giới Mộc Bài, Tây Ninh. Tất cả hành khách, đều không bận tâm với các tờ khai rắc rối và không phải vào các phòng chức năng ở cửa khẩu để làm thủ tục xuất nhập cảnh vì đã được nhà xe giúp làm thủ tục. Trong khi chờ đợi, nhiều hành khách ngồi ăn uống hoặc gặp “cò đổi tiền” từ tiền đồng qua tiền riel với giá 100.000 đồng lấy 2.400 riel.
Sau gần 30 phút làm thủ tục, nhân viên xe buýt mời bà con ra cổng cửa khẩu Việt Nam để nghe đọc tên từng người qua cửa xuất cảnh. Tương tự, ở cửa khẩu nhập cảnh vào Campuchia, nhân viên xe buýt làm thủ tục và mời hành khách đến nghe nhân viên kiểm soát đọc tên từng người lên xe buýt.
Anh Trần Xuân Toàn, đại diện một công ty điện lạnh của Đan Mạch (quận Tân Bình), nhận xét thời gian đi một chuyến xe buýt hơi lâu, từ 6-7 giờ, nghĩa là đi từ TP HCM lúc 6h sáng thì đến Phnom Penh khoảng hơn 12h trưa. Tuy nhiên, giá vé lại quá rẻ so với vé máy bay. Nếu mua vé ở đại lý hãng hàng không, hành khách phải trả 160 USD tiền vé khứ hồi và visa nhập cảnh Campuchia, trong khi vé khứ hồi xe buýt khoảng 18 USD và visa nhập cảnh là 25 USD. Điều quan trọng khiến nhiều người đi xe buýt là do tuyến đường xuyên Á từ TP HCM đến Phnom Penh dài 250 km đã có đến 160 km đường từ TP HCM đến bến phà Niếc Lương (Campuchia) vừa hoàn thành nâng cấp nên xe chạy rất êm.
Tại Phnom Penh, anh Lê Trọng Nhân – một Việt kiều, giám đốc Công ty World Heritage ở Phnom Penh – cho biết đang tính việc mở tuyến buýt du lịch với Sapaco. Bởi anh sẽ tổ chức tour cho hành khách đi mua sắm, vào casino, tham quan những cảnh quan như tượng đài hữu nghị, nhà tù Toul Sleng, cánh đồng chết…
Theo anh Nhân, lợi thế mở tour du lịch bằng xe buýt là vì nhà xe lo tất cả thủ tục xuất nhập cảnh nên hành khách rất hài lòng, tuyến đường bộ đi rất tốt và các chi phí được tính toán cố định. Hiện nay nhiều người dân ở Việt Nam đã đi du lịch Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Malaysia và Hong Kong chắc chắn sẽ tính đến việc đi du lịch Campuchia để tham quan một kỳ quan thế giới – Đế Thiên, Đế Thích.
Anh Lê Văn Tới, giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ vận tải và du lịch – Sapaco, thuộc Công ty Xe khách Sài Gòn, cho biết, đang bàn với một đối tác ở Campuchia để hình thành tuyến du lịch TP HCM – Angkor Thom hoặc Angkor Wat theo hình thức phục vụ khách đi lẻ hoặc đi theo đoàn.
Theo Tuổi Trẻ, tuy nhiên, giá tour du lịch đến Campuchia vẫn cao hơn so với Thái Lan bởi nước này chưa bỏ visa nhập cảnh như Thái Lan. Như giá tham quan Angkor ở Siem Reap là 20 USD/ngày, 30 USD/2-3 ngày và 60 USD/6 ngày, giá vào tham quan chùa Vàng chùa Bạc ở hoàng cung là 3 USD, các điểm tham quan khác là 2-3 USD.
Đó là chưa kể khi vào tham quan thì đoàn khách du lịch cũng phải trả thêm 3-4 USD cho nhân viên thuyết minh ở các điểm tham quan. Khách sạn ở Phnom Penh cho thuê phòng giá tương đối cao, như khách sạn một sao bình quân 15 USD/phòng hai giường đôi và giá một bữa ăn bình quân cho một du khách là 4 USD với sáu món ăn, vì giá điện cao và phần lớn hàng hóa ở nước này đều nhập khẩu.
DulichCampuchia.net cập nhật nguồn tin theo báo Tuổi Trẻ
Thứ hai, 29/11/2004, 12:00 GMT+7