Wednesday, 24 April 2024
Đất nước và con người

Tôi ngưỡng mộ du lịch Campuchia

Không chèo kéo, không chặt chém và nhà vệ sinh thì đẹp gấp mấy lần ở Việt Nam. Không đâu xa xôi, cách làm du lịch của Campuchia cũng đáng để Việt Nam học hỏi. 

Văn hóa du lịch thân thiện

Kampong Som là thành phố biển du lịch hiếm hoi của Campuchia, có một số nơi bờ biển bị người dân nghèo chiếm ngụ, một số nơi bị ngập rác kinh khủng!

Chúng tôi đến tắm biển ở một khu vực do một số người nghèo dựng lều kinh doanh. Đây cũng là nơi cư ngụ của họ, họ cho thuê ghế bố, bàn, lều che, kinh doanh nước uống, bia, đồ ăn khô…

Bãi biển ở đây khá sạch sẽ nhưng ít du khách, không có trẻ em bán hàng rong. Phòng tắm thay đồ cho phụ nữ là một tấm bạt cũ bao quanh một tảng đá to. Nước ngọt được lấy từ vòi nước bên ngoài đổ vào xô mang đến phòng tắm, đàn ông thì đứng tắm ngoài trời và thay đồ cũng trong phòng tắm trên.

Chúng tôi chỉ thuê ghế bố, lều và tắm thay đồ, không ăn uống gì. Nhưng khi hỏi tính tiền thì chủ quán không tính tiền vì không đáng bao nhiêu, và do có người địa phương hướng dẫn.

Nnớ lại ở Việt Nam, trong năm 2012, gia đình tôi đi du lịch Hạ Long và đã mua tour du thuyền quanh vịnh, khi mới xuống thuyền thì chủ thuyền và nhân viên tiếp đón chúng tôi ân cần.

Trên thuyền có bán đồ lưu niệm nhưng chúng tôi không mua và không dùng thêm bất dịch vụ trả thêm nào, khi ghé thăm bè cá chúng tôi cũng không mua mà chỉ tham quan.

Kể từ đó, họ bắt đầu tỏ thái độ khó chịu, mất lịch sự và đuổi khéo để chúng tôi kết thúc chuyến đi cho nhanh! Thế mới thấy lòng tự trọng không phụ thuộc vào sự giàu nghèo của con người, quốc gia.

Có một người trong ngành du lịch đã nói, nhà vệ sinh là điểm yếu nhất chưa thể khắc phục được của ngành du lịch Việt Nam, riêng với tôi thì đó là một sự hổ thẹn nếu so sánh với du lịch Campuchia!

Trong chuyến du lịch ở miền Bắc cùng năm 2012, phần lớn nhà vệ sinh ở các điểm tham quan đều đem lại cho khách du lịch một cảm giác kinh hoàng về khứu giác, xúc giác (đối với phụ nữ và những ai đại tiện), thị giác và hầu như nơi nào cũng thu tiền du khách từ 2-3000VND/lần!

Lần này, khi đi đến cửa khẩu Mộc Bài, tôi cũng phải vào thăm nhà vệ sinh ở bên phía Việt Nam, nằm trong cụm tòa nhà cửa khẩu.

Về thị giác thì tạm được nhưng khứu giác thì kinh hoàng, tuy nhiên vẫn phải trả tiền 2000VND/lần!

Đến Siem Reap, tôi cũng đã vào thăm nhà vệ sinh trong khu chợ bán đồ lưu niệm, về thị giác thì cũng được, nhà vệ sinh không có mùi hôi.

Điều ấn tượng nhất là tấm bảng ghi dòng chữ “free for tourism” (miễn phí cho khách du lịch). Khỏi phải nói là tôi mừng thế nào trước khi “xả bầu tâm sự” vì lúc đó trong túi không có tiền lẻ riel (tiền Campuchia)! Nhà vệ sinh trong khu vực Ankorwat cũng miễn phí cho khách du lịch đã mua vé.

Phần lớn các trạm xăng ở Việt Nam không chú trọng đến nhà vệ sinh hoặc nếu có thì đều gây ra cảm giác kinh hoàng về khứu giác và thị giác!

Ngược lại, phần lớn các trạm xăng ở Campuchia kết hợp với siêu thị mini, có thể thêm nhà hàng nên nhà vệ sinh được chú trọng.

Ngày xưa ông bà ta dùng khái niệm “cầu tiêu”, “nhà xí” nên việc xây dựng bảo dưỡng không được chú trọng, hoặc ngày nay xã hội ta có quá nhiều vấn đề cần giải quyết cho nên nhà vệ sinh vẫn cứ mãi là “cầu tiêu”, “nhà xí”?

Ở Ankorwat, hàng quán được phân khu ngăn nắp trật tự, trẻ em bán hàng rong cũng chỉ hoạt động trong khu vực này.

Khi chúng tôi đến mua hàng, trẻ em bán hàng rong đến mời chào và sau hai lần khách hàng từ chối, chúng thôi không đi theo nữa.

Xe cut kit (xe gắn máy kéo theo thùng xe 4 chỗ) cũng tập trung trong một khu vực nhất định và hoàn toàn không có chuyện chèo kéo chạy theo khách du lịch gây náo loạn, giựt đồ móc túi như ở xứ ta!

Các quán ăn, hàng quán ở Campuchia không thuê thanh niên làm cò mồi chèo kéo khách du lịch đến hàng quán của mình, khách dừng ở quán nào thì thoải mái đi vào mua sắm.

Giao thông Campuchia xe chạy sát lề
Giao thông Campuchia xe chạy sát lề – Xe máy chạy chậm sát lề phải do vậy xa lộ rất thông thoáng mặc dù đường hẹp

Quán ăn nào cũng có thanh niên giữ xe, giúp đậu xe nhưng tuyệt nhiên không chủ động lấy tiền giữ xe, việc bồi dưỡng là do lòng hảo tâm của khách.

Ở các hàng quán ở Campuchia, nếu sau khi trả giá bạn không muốn mua thì cứ vui vẻ rút lui, không lo bị chửi rủa sau lưng.

Hãy so sánh từng điều trên với hiện trạng xã hội chúng ta thì mới thấy hổ thẹn làm sao, càng hổ thẹn với câu khẩu hiệu “phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” được treo đầy đường và được phát biểu liên tục mỗi khi có hội nghị về văn hóa, du lịch!

Chúng ta có quá nhiều khẩu hiệu rất hay treo đầy đường: “xây dựng xã hội văn minh hiện đại”, “phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, “khu phố văn hóa”, “xây dựng nếp sống văn minh”, “hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”…, nhưng thực tế nhiều khi đi ngược lại nội dung trong các câu khẩu hiệu này.

Nên chăng dẹp bỏ hết các khẩu hiệu hoa mỹ để không tạo mâu thuẫn với thực trạng xã hội cũng là một cách xây dựng lại niềm tin trong lòng dân?

Bệnh mê thành tích của các quan chức, viên chức cũng là một nguyên nhân gây xói mòn niềm tin, vì “nói không đi đôi với làm”, tạo thành những tấm gương xấu và thường dân cứ thế mà “bắt chước nói dóc” theo.

Giao thông Campuchia quy củ và trật tự

Xe máy và xe ô tô cá nhân cũng là vấn nạn của Campuchia, nhất là Phnom Penh, kẹt xe vẫn thường xảy ra vì xe máy cũng chạy loạn xạ để tìm đường thoát.

Ở đây việc đội mũ bảo hiểm hình như là không bắt buộc, xe máy chở 3 rất nhiều nhưng họ chạy chậm. Người Campuchia không đội mũ bảo hiểm thì thôi, chứ ai đã đội mũ bảo hiểm thì đó thực sự đúng là mũ bảo hiểm, không phải là loại “mũ bảo hiểm giả cầy” hoặc “mũ bảo hiểm thời trang” như ở xứ ta.

Trong suốt khoảng 1700km đường bộ ở Campuchia tôi không thấy bất kỳ tai nạn giao thông nào.

Vận chuyển hàng hóa và hành khách ở Campuchia
Vận chuyển hàng hóa và hành khách ở Campuchia – Đây là cảnh thường thấy trên xa lộ ở Campuchia, xe van chứa đầy người bên trong, phía sau thì chất đầy hàng, trông thì rất mất an toàn nhưng chưa thấy tai nạn vì tài xế chạy chậm và không vượt mặt ẩu, cảnh sát giao thông không phạt! Xe gắn máy chạy chậm sát lề phải

Xe chở khách đường dài ở Campuchia phổ biến là loại van, chất đầy người, mở luôn cửa hậu phía sau để chở đồ, trông qua thì rất mất an toàn nhưng kỳ thật tôi chưa thấy tai nạn, thực tế tài xế chạy chậm và không vượt mặt.

Đường xa lộ ở Campuchia hẹp, không có dãy ngăn cách, có bảng hạn chế tốc độ nhưng không có cảnh CSGT đứng bắn tốc độ hay chặn xe đòi hối lộ (xin lỗi chắc họ ăn hối lộ bằng cách khác kín đáo hơn chăng?), và cũng không có bảng thông báo “đoạn đường này thường xuyên tổ chức bắn tốc độ” như ở xứ ta!

Nói về tín ngưỡng thì có lẽ người Campuchia không thua kém người Việt nhưng trong Ankor Wat và miếu Bà đen trên đường tôi ghé qua, người Campuchia chỉ vào thắp nén hương nhỏ chứ không mua mâm quả hoành tráng để cúng bái, và cách họ cúng tiền công đức cũng đáng để học tập, bỏ tiền vào thùng chứ không vứt bừa bãi.

Cúng bái ở Campuchia
Việc thắp nhang ở miếu thờ Bà Đen ở Campuchia không dùng mâm quả hoành tráng, không dùng nhang to như “cột nhà”

Trong cùng chuyến du lịch miền Bắc đầu năm 2012, tôi cũng đã đến viếng Đền Hùng và chứng kiến cảnh một số người cúng bái bằng mâm quả rất hoành tráng được mua ngay tại nơi thờ cúng, tạo ra một khung cảnh rất phản cảm.

Rất nhiều người dùng cây nhang “to như cột nhà” để lời khẩn cầu mau hiệu nghiệm, tiền lẻ cúng được quăng bừa bãi ngay tại giếng thiêng của khu vực Đền Hùng!

Lê Ngọc Hồ

Post Comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.