Friday, 13 December 2024

Địa lý

Campuchia nằm ngay trung tâm của Đông Nam Á, diện tích 181,035 km2, dân số 13,124,764 triệu người (số liệu năm 2003).

Hình dạng lãnh thổ Campuchia gần như một hình chữ nhật với các cạnh tròn, Kom Pong Thom là trung tâm của hình chữ nhật đó.

Chiều dài theo hướng Bắc Nam là 440 km và theo hướng Đông Tây là 560 km. Với hình dạng này, du khách có thể để dàng đi lại trong lãnh thổ Campuchia với các cự ly không qúa xa, thuận lợi cho phát triển lữ hành, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Trong khối ASEAN gồm 10 quốc gia, Campuchia xếp thứ 8 về điện tích lãnh thổ và xếp thứ 9 về dân số. Vị trí địa lý của Campuchia là từ 10° đến 15° vĩ Bắc, 102° đến 108° kinh Đông.

Chu vi đường biên của Campuchia 2,600 km với 5/6 là biên giới trên bộ, tiếp giáp với Lào phía Bắc, Việt Nam phía Đông và Đông Nam, Thái Lan phía Tây và Tây Bắc và 440 km là bờ biển phía Tây Nam tiếp giáp Vịnh Thái Lan, nơi có mực nước ấm và độ sâu trung bình 50m, rất nhiều loài thủy sinh và hải sản, các bãi biển hoang sơ cát trắng, những hòn đảo nhỏ chưa có cư dân tuyệt đẹp, không khí trong lành thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và ngành hải sản.

Địa hình:

Campuchia có địa hình đồng bằng thấp trũng tại miền Trung, bao quanh bởi khu vực núi và cao nguyên phía Đông Bắc. Phía Tây Nam là khu vực đồng bằng duyên hải. Địa hình Campuchia có thể được chia thành 4 khu vực theo yếu tố phát triển du lịch như sau:

Vùng đồng bằng Đông Nam:

Khu vực này chiếm diện tích 25,069 km2, dân số 5,898,305 người chiếm 51.6% tổng dân số Campuchia, mật độ dân cư 235 người/1km2 (thống kê năm 1998). Khu vực này bao gồm 6 tỉnh, thành phố: Phnom Penh, Kandal, Kom Pong Cham, Svay Rieng, Prey Veng và Takeo, gồm 63 quận huyện, 700 xã với 6,414 xóm, làng.

Vùng đồng bằng là nơi có mật độ dân cư cao nhất Campuchia với nhiều dân tộc như: Khmer, Hoa, Việt, Chăm, Thái, Lào… Tại Kom Pong Cham còn có các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống như: người Kuoy và người Steang ở huyện Krek và huyện Memut.

Vùng trung bộ bao quanh Biển Hồ:

Khu vực này chiếm diện tích 67,668 km2, dân số 3,505,448 người, chiếm 30.7% tổng dân số Campuchia, mật độ dân cư 57 người/1km2 (thống kê năm 1998). Khu vực này bao gồm 8 tỉnh: Kom Pong Thom, Siem Reap, Banteay Meanchey, Battambang, Pousat, Kom Pong Chnang, Oddar Meanchey và Pailin, gồm 60 huyện, 488 phường xã với 4,041 xóm, làng. Tại đây, cư dân chủ yếu là người Khmer, Việt và Chăm, một vài nhóm thiểu số sống trên các khu vực đồi núi như Sa Och, Steang và Samre.

Một xóm nhỏ miền Trung Campuchia mùa nước nổi

Vùng duyên hải Tây Nam:

Khu vực duyên hải của Campuchia có diện tích 17,237 km2, dân số 845,000 người, mật độ dân cư 49 người/km2 (thống kê năm 1998). Khu vực này gồm 4 tỉnh: Sihanoukville, Kampot, Koh Kong và Kep năm dọc theo bờ biển phía Tây Nam, kéo dài 440 km. Sihanoukville là tỉnh trung tâm của khu vực, cách Phnom Penh 232 km.

Khoảng 80% dân số tại vùng này là người Khmer, mặc dù người Chăm, Việt, Hoa, Thái và các dân tộc thiểu số cũng sinh sống tại đây. Dân cư tại vùng duyên hải có cuộc sống khá sung túc do thu nhập cao từ nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Địa hình vùng duyên hải Campuchia bao gồm cả núi, đồng bằng, bờ biển và vịnh biển với rất nhiều bãi biển cát trắng.

Bãi biển tại Sihanoukville

Dầu cọ, dừa, tiêu, sầu riêng và nhiều loại cây trồng khác rất phát triển tại đây, kể cả loại cây nước lợ như đước. Bờ biển Campuchia bị xâm thực và rút ngắn dần qua từng năm, khảo sát năm 1997 chỉ còn 435 km, tuy nhiên con số 440 km vẫn được chấp nhận rộng rãi.

Vịnh Thái Lan nằm sát duyên hải Campuchia, ngăn cách Campuchia với tiểu lục địa Malacca của Malaysia. Đây là một vịnh khá lớn, độ sâu chỉ từ 50m đến 81m với đáy biển bằng phẳng. Campuchia có 60 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong khu vực này, bao gồm: 23 hòn đảo thuộc tỉnh Koh Kong, 2 hòn đảo thuộc Kampot, 22 hòn đảo thuộc Sihanoukville và 13 hòn đảo thuộc Kep.

Vùng núi và cao nguyên Đông Bắc:

Khu vực này có diện tích 68,061 km2, dân số 1,189,042 chiếm 10.3% tổng dân số, mật độ dân cư 17 người/1km2 (số liệu năm 1998). Bao gồm 6 tỉnh: Kom Pong Speu, Kratie, Stung Treng, Preah Vihear, Rattanakiri và Mondolkiri, 39 huyện, 283 phường, xã với 2,246 xóm, làng.

Đây và vùng có nhiều các dân tộc sinh sống nhất Campuchia, bao gồm: người Khmer, Hoa, Việt, Lào, Thái và 18 dân tộc thiểu số khác như: Pnong, Steang, Kraol, Ro Oung, Tumpun, Tmuon, Bruv, Smil, Kuoy, Ar Norng, Charay, Kreung, Roder, Kha, Sa Och, Kachok, Kavet and Lun.  Người Pnong là chủng tộc đông nhất trong số các dân tộc thiểu số nói trên, chiếm khoảng 45% dân số của nhóm các dân tộc thiểu số.

Post Comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.